Mời bạn CLICK vào liên kết bên dưới và MỞ ỨNG DỤNG SHOPEE để mở khóa toàn bộ chương truyện.
Lưu ý: Nội dung trên chỉ xuất hiện 1 lần trong ngày, mong Quý độc giả ủng hộ. Xin chân thành cảm ơn!
8
Vân Lạc sinh vào mùa đông, sang mùa đông năm nay, vừa tròn ba tuổi.
Cao gia gia muốn khai tâm cho nó, dạy chữ, dạy võ.
Nó vui mừng không để đâu cho hết.
Từ lâu đã ngưỡng mộ biểu ca biểu tỷ được theo học cùng công công.
Chỉ mình nó, trước giờ chỉ có thể chơi cùng bọn trẻ nơi trang viên.
Nó muốn lớn lên, luôn miệng bảo rằng muốn bảo vệ ta.
Ta chẳng hiểu vì sao nó lại nghĩ như vậy, ta nào gặp nguy hiểm chi đâu.
Về sau nghĩ lại, có lẽ do nó từng gặp ác mộng, hoặc bị gà vịt trong trang viên rượt đuổi, mỗi lần như vậy, ta đều ôm nó dỗ dành, nói rằng “nương sẽ bảo vệ con.”
Vậy nên, nó cũng học theo ta mà nói lời ấy.
Xuân đến, lại là mùa gieo hạt.
Chỉ tiếc, tiết trời năm nay khác thường, khô hạn dữ dội.
Việc lấy nước từ sông không hề dễ, ba phía trang viên giáp sông đều là vách núi dựng đứng.
Trước nay, trang viên dùng toàn nước suối trên núi.
Nay suối cũng đã cạn dòng.
Trong sân nhà ta có hai giếng nước, nhưng mực nước ngày một thấp, múc càng lúc càng khó.
Miền Nam đã chịu hạn hán hai năm liền.
Miền Bắc vẫn còn đỡ hơn đôi chút.
Bởi thế, lắm kẻ từ Nam chạy nạn dạt về phía Bắc mà cầu sinh.
Nay phương Bắc cũng khô hạn.
Phụ thân ta âu sầu nhìn đồng ruộng khô nứt, chẳng thể canh tác được nữa.
Vườn hoa của ta cũng vì hạn mà héo úa cả.
Vân Toàn và Vân Lạc đều buồn bã chẳng vui.
Để trữ nước, phụ mẫu ta liền phân đám tráng đinh trong trang viên thành hai đội.
Một đội men theo chiếc thang dây nối từ vách đá xuống sông để gánh nước.
Việc ấy vô cùng khó nhọc, lại nguy hiểm, nên không thể gánh quá nặng.
Một đội khác thì lên núi tìm suối, xem có mạch nước ngầm nào chưa cạn.
Các lão nhân trong trang thì làm thùng gỗ, cố gắng chế ra thật nhiều để chứa nước.
Mỗi nhà đều trữ nước trong địa thất.
Thời tiết quá nóng, nước bên ngoài không thể giữ được lâu.
Chúng ta gần như không tắm rửa nữa, chỉ sợ đến nước uống cũng không còn.
May sao nước sông chưa hoàn toàn cạn kiệt.
Mỗi hộ đều trữ được hai thùng lớn.
Nhà ta có phần dư dả hơn, trong giếng vẫn còn nước, lại thêm hai thùng lấy từ sông.
Nước sông để súc vật uống, còn người thì tạm thời dùng nước giếng.
Nhưng nhóm lên núi tìm suối mãi chẳng có tin gì tốt.
Ai nấy đều nóng ruột như lửa đốt.
Nửa tháng sau, hoàng thiên không phụ lòng người, cuối cùng cũng tìm được một mạch nước suối trong sơn động.
Song sơn động ấy phải đi vào rất sâu, bên ngoài trời nắng chang chang, bên trong lại lạnh lẽo âm u.
Men theo vách động, đi chừng nửa canh giờ mới thấy một hồ nước nhỏ, trong ấy có dòng suối không ngừng tuôn chảy, tụ lại thành hồ.
Người phát hiện ra mạch nước ấy là Vân Toàn.
Nó dẫn theo đám tiểu hài trong trang, học người lớn mà tìm kiếm khắp núi.
Kỳ thực hang ấy người lớn từng phát hiện rồi, nhưng chỉ đi được nửa đường là quay lại.
Vì chỗ sâu trong hang đường hẹp, chỉ có thể bò qua, người lớn ngại nguy hiểm.
Trẻ con thân thể nhỏ, lại tò mò, rốt cuộc lại là chúng tìm ra mạch suối.
Mọi người mừng rỡ như mở cờ trong bụng.
Đám trẻ hệt như vừa đại thắng trở về.
Vân Toàn mười ba tuổi, gom hết bọn trẻ lại, ngày ngày giả làm binh lính mà luyện trận.
Mẫu thân ta cười nói: “Nó mê làm tướng đến hóa rồ rồi.”
Nhưng Cao gia gia lại hết mực ủng hộ, còn dạy nó bày binh bố trận, thường xuyên cùng nó dẫn đội đánh trận giả, hai bên chia quân mà chơi.
Việc ấy khiến Vân Lạc buồn muốn khóc.
Mỗi lần thấy chơi đánh trận mà không ai cho nhập hội, nó liền nhảy lên nhảy xuống, sốt ruột không thôi.
Vì nó còn quá nhỏ, chẳng ai mang theo.
Vân Lạc chỉ còn cách ngày ngày luyện quyền cước, rồi chạy đến thách Vân Toàn:
“Ca ca Toàn, tới đây, ta muốn đánh bại huynh!”
Vân Toàn cười cười, rồi cũng chiều ý mà đấu vài chiêu.
Có khi Vân Lạc nói mớ trong mộng, cũng toàn chuyện ban ngày đã thấy.
Ta sờ má nó khi ngủ, lặng lẽ nghe hơi thở đều đều, trong lòng chỉ mong nó cả đời chẳng phải bước chân lên chiến trường thực sự.
Đất không thể trồng trọt được.
Nước trữ trong nhà cũng ngày một ít dần.
May sao kho lúa nhà ta vẫn đầy, đủ ăn vài năm cũng chẳng lo đói.
Các hộ khác trong trang cũng đều có lương thực tích trữ.
Nơi này gần như cách biệt với thế giới, cũng chẳng phải nộp thuế má gì.
Thu sang, mọi người bắt đầu thay nhau lên sơn động lấy nước dùng.
Trang viên không quá đông người, tính cả nhà ta thì chỉ mười một hộ.
Hang động được nới rộng vừa đủ người ra vào, đường núi cũng được sửa bằng phẳng hơn, song mỗi chuyến gánh nước vẫn mất ít nhất một canh giờ.
Một ngày nọ, ta đang đứng nhìn bọn trẻ theo Cao gia gia luyện võ ngoài sân.
Bỗng có một hài tử trong thôn hớt hải chạy đến, gọi lớn:
“Cao gia gia, cô nương Dung, bên kia sông có người gọi!”