Mời bạn CLICK vào liên kết bên dưới và MỞ ỨNG DỤNG SHOPEE để mở khóa toàn bộ chương truyện.
https://s.shopee.vn/8AKY6eIodQ
Lưu ý: Nội dung trên chỉ xuất hiện 1 lần trong ngày, mong Quý độc giả ủng hộ. Xin chân thành cảm ơn!
4
Lục bà nói với ta, mấy ngày nữa bà sẽ lên huyện.
Nữ nhi bà, A Hương, đã mở một tiệm son phấn lớn trên đó, muốn đón bà đi hưởng phúc.
Ta khẽ gật đầu, thật lòng mừng cho bà.
Lục bà là một quả phụ.
Năm A Hương lên năm, cha nàng qua đời.
Người nhà muốn tái giá cho Lục bà với một gã góa vợ, nghe nói là kẻ nát rượu.
Bà thà chết cũng không chịu, gom hết gia sản trong nhà, mua lại gian tiệm này, một mình nuôi lớn nữ nhi.
Chớp mắt hai mươi năm trôi qua, bằng đôi bàn tay của mình, Lục bà mua được không ít ruộng tốt, còn tậu được một tòa viện tử rộng rãi trong huyện.
A Hương sau này mở tiệm son phấn, lại còn thành thân với Trương phu tử của thư viện.
Cuộc sống cứ thế ngày một khấm khá hơn.
Nhưng rồi chuyện Trương phu tử bỏ tiền chuộc một nữ kỹ về nhà làm thiếp lại khiến cả huyện xôn xao.
Mọi người đều chờ xem mẹ con họ bị cười chê thế nào.
Nào ngờ, A Hương lại giống hệt mẫu thân mình—thà cô độc một đời, cũng không chịu ấm ức bản thân.
Vậy là bức hưu phu thư đầu tiên của trấn chúng ta ra đời.
A Hương bỏ lên huyện, mang theo gần như toàn bộ tài sản nhà họ Trương.
Nhà họ Trương tất nhiên không chịu ngồi yên.
A Hương chỉ thẳng vào mặt Trương phu tử, chửi ầm lên:
“Hắn kiếm được bao nhiêu bạc? Nếu không phục, vậy thì chúng ta cứ đến trước mặt đại lão gia mà phân xử!”
Bao năm qua, nhà họ Trương có thể sống vẻ vang được như hôm nay, tất cả là nhờ A Hương, sao có thể để mất mặt như vậy?
Sau khi hưu phu, cuộc sống của A Hương càng ngày càng thuận lợi.
Nàng mở tiệm son phấn lớn nhất huyện thành.
Ngược lại, Trương phu tử sa vào cờ bạc, còn ả kỹ nữ hắn chuộc về cũng chẳng phải hạng an phận.
Cuối cùng, nhà họ Trương phải bán đi căn nhà trong trấn, một nhà già trẻ lưu lạc không biết đi đâu.
Giờ Lục bà lên huyện, đúng là chuyện đáng mừng.
Nhưng càng cười, ta lại càng cười không nổi.
Những năm qua, ta vẫn luôn làm việc trong tiệm của bà, học được không ít bản lĩnh bếp núc.
Bà đi rồi, ta không tránh khỏi cảm thấy luyến tiếc.
Cũng không tránh khỏi lo lắng cho tương lai của chính mình.
“A Lê, tiệm này bỏ không cũng là bỏ không. Thay vì cho người ngoài thuê, chi bằng để ngươi thuê?”
Tiệm của Lục bà nằm ở Tây thị, hậu viện có hai gian phòng.
Một gian bà ở, gian còn lại để dành cho A Hương.
Tây thị khác với Đông thị, nơi này chủ yếu buôn bán đồ ăn.
Từ bữa sáng đến khuya, mở một quán ăn ở đây tất nhiên không phải ý tồi.
Chỉ là—
“Nhưng mà, ta cũng có điều kiện.”
“Nếu trong vòng một tháng, ngươi có thể kiếm đủ năm lượng bạc, ta liền cho ngươi thuê tiệm này.”
“Một tháng sau, ta sẽ trở về dự hôn lễ của cháu trai.”
Một tháng, năm lượng bạc…
Một bát hoành thánh bình thường năm văn tiền, hoành thánh hải sản mười văn.
Một đĩa tôm say nhỏ hai mươi văn, nhưng ít người gọi.
Mấy món đắt hơn thì càng chẳng ai ăn…
Không phải là chuyện viển vông hay sao?
Nhưng ta hiện tại cũng không có đường lui.
Nếu kiếm được năm lượng, vậy thì những ngày sau này sẽ có hy vọng.
Nếu không kiếm được, thì cùng lắm lại tìm một con đường khác mà đi thôi.
Ta gật đầu, đồng ý.
Sáng sớm hôm sau, Lục bà khoác hành lý, lên xe bò đi huyện thành.
Trước khi đi, bà nói rằng trong một tháng này, ta toàn quyền quyết định chuyện trong tiệm.
Chỉ cần kiếm được tiền, ta muốn làm thế nào cũng được.
Bà xoa đầu ta, nhẹ giọng dặn dò:
“A Lê, con phải nhớ—một khởi đầu lộn xộn lại chính là khởi đầu tốt nhất.”
“Cứ làm đi, làm rồi mới biết được có thành hay không.”
5
Ánh nến trong phòng lay động.
Ta cầm bút vẽ phác suốt cả đêm, cuối cùng nhìn dãy số trên tờ giấy mà nở nụ cười.
Năm lượng bạc.
Là năm lượng bạc thật rồi.
Sáng hôm sau, ta liền mời thợ đến sửa sang lại hai gian phòng trong viện.
Trên chiếc giường lớn trải chiếu đất, ta đặt chăn đệm tuy rẻ nhưng sạch sẽ.
Hai gian phòng này đủ để chứa mười người nghỉ lại qua đêm.
Trấn Trường Ninh tuy nhỏ, nhưng lại nằm ngay giao lộ huyết mạch.
Thương nhân qua lại, sĩ tử lên kinh ứng thí, người đi xa về quê thăm thân… tất cả đều phải dừng chân nghỉ ngơi tại đây.
Kẻ có tiền sẽ chọn những khách điếm trang nhã nhất ở Đông thị, nhưng vẫn có không ít người chỉ cần một chỗ tạm qua đêm.
Loại người này mới là đông nhất.
Ta dán một tờ giấy đỏ ngoài cửa, trên đó viết—
Mười lăm văn: Hoành thánh, mì chay ăn thỏa thích.
Ba mươi văn: Hoành thánh hải sản, tặng thêm một đĩa tôm say nhỏ.
Năm mươi văn: Chọn món tùy ý, ăn no mới thôi.
Lưu trú qua đêm: Mười lăm văn một người.
Chữ viết không đẹp, nhưng may thay vẫn dễ nhìn.
Sáng hôm sau, ta chuẩn bị sẵn một nồi hoành thánh và mì chay.
Quả nhiên thu hút không ít khách.
Nhất là vào buổi sáng, khi đám phu khuân vác ở bến tàu chưa vào làm, tất nhiên sẽ muốn ăn một bữa no nê.
Dùng mười lăm văn để ăn đến no căng ở nơi khác, chẳng phải chuyện dễ dàng.
Những viên hoành thánh trắng nõn cuộn tròn trong làn nước sôi, vừa chín tới liền được vớt lên.
Trong bát là nước dùng gà ninh từ sáng sớm, rắc thêm chút hành lá, rau cần.
Mùi thơm tươi ngọt đến mức có thể nuốt cả đầu lưỡi.
Mì chay vừa trụng xong, rưới một ít mỡ lợn nóng chảy, thêm vài giọt xì dầu, trộn đều lên, hương thơm lập tức lan tỏa.
Lão Trương hàng xóm bên cạnh cắn hai viên hoành thánh liền một lúc, bị bỏng đến nhe răng trợn mắt.
“Con nha đầu này, tay nghề tốt, đầu óc cũng lanh lợi. Nếu ngươi còn không kiếm được tiền, thì còn ai kiếm được nữa?”
Dùng mười lăm văn ăn sáng, đủ để họ no đến tận chiều tối tan ca.
Ai kiếm được nhiều thì gọi suất ba mươi văn, thỉnh thoảng còn kèm thêm hai bình rượu.
Ai kiếm ít thì vẫn giữ suất mười lăm văn, nhưng bữa ăn là thứ không thể bỏ được.
Ngoài họ ra, còn có những lữ khách thuê phòng trong quán.
Đồ ta nấu hợp khẩu vị, họ cũng vui vẻ dùng.
Người đến rồi đi, ta cũng kiếm được chút đỉnh.
Chỉ là hai gian phòng đã dành cho khách trọ, ta đành phải chấp nhận ngủ tạm ngoài cửa tiệm.
Mấy ngày sau, Nhị ca họ Hà bán thịt sắp đến sinh thần.
Hắn vốn định nhờ ta đến nhà giúp nấu hai bàn tiệc.
Ta vừa định đồng ý, thì trong đầu chợt lóe lên một ý nghĩ.
“Nhị ca, nếu huynh muốn hai bàn tiệc nấu tươm tất, ít nhất cũng phải tốn đến một lượng bạc.”
“Nhưng nếu huynh để mọi người đến tiệm của ta ăn, mỗi người chỉ cần năm mươi văn, có thể tùy ý chọn món.”
“Huynh với ta là người quen cũ, ta lấy huynh bốn mươi lăm văn một người, trẻ con dưới mười tuổi chỉ ba mươi văn.”
“Món ăn ta lo liệu hết, mua hết, nếu không hài lòng, coi như miễn phí.”
Nhị ca chỉ do dự chốc lát rồi sảng khoái gật đầu đồng ý.
Hắn biết rõ tay nghề của ta.
Năm đó mẫu thân hắn bệnh nặng không nuốt nổi cơm, vẫn là Hà tẩu đến học ta cách nấu cháo thịt bằm mang về.
Cháo vừa miệng, thân thể cũng dần hồi phục.
Vậy nên Nhị ca và ta, cũng nhờ đó mà thân thiết hơn.
6
Ngày sinh thần của Nhị ca họ Hà, thân thích láng giềng kéo đến gần hai mươi người.
Ta lần lượt bưng từng món cá, thịt, rau dưa đã nấu sẵn lên bàn, ngay cả thọ cao cũng đã chuẩn bị đầy đủ.
Mọi người ăn đến mức môi bóng nhẫy, khen không ngớt lời.
Sau sinh thần, Nhị ca họ Hà gặp ai cũng khoe rằng quán ta đáng đồng tiền bát gạo.
Món ăn vừa nhiều, vừa ngon, lại vừa tiết kiệm sức lực lẫn tiền bạc.
Tin tức truyền từ người này sang người khác, danh tiếng quán của ta cứ thế lan rộng.
Việc buôn bán ngày càng khấm khá, ta và Tiểu Liễu—tiểu nhị mà Lục bà để lại—bận rộn đến mức chân không chạm đất.
Tiểu Liễu vốn là một tiểu ăn mày mà Lục bà nhặt về.
Nó đã theo bà học việc trong quán suốt ba năm nay.
Ngày Lục bà trở lại, ta giao toàn bộ số bạc kiếm được cho bà.
Sau khi trừ đi vốn liếng và số bạc ta bỏ ra trước đó, vậy mà vẫn còn dư bảy lượng bạc.
Bà chỉ cầm lấy năm lượng, còn đưa tay vén mấy lọn tóc rơi bên mai ta, cười nói:
“Coi như năm lượng này là tiền thuê quán một năm tới. Lão bà ta sẽ đợi ngươi ở huyện thành.”
“Hy vọng mỗi quyết định sau này của A Lê, đều là vì chính bản thân mình mà làm.”
Ta mở miệng, nhưng lại không thể nói được lời nào.
Một gian quán tốt như vậy, dù có cho thuê với giá hai lượng bạc một tháng cũng không có gì quá đáng.
Ta biết bà đang giúp ta.
Không biết từ khi nào, chuyện ta đánh cược với Lục bà đã truyền ra ngoài.
Việc ta kiếm đủ năm lượng bạc trong vòng một tháng cũng đã đến tai phụ mẫu.
Ngày thứ ba sau khi ta thuê lại quán, một bóng dáng quen thuộc xách theo một chiếc giỏ, lảng vảng trước cửa.
Bên trong giỏ có mấy quả táo nhăn nheo, cùng vài quả trứng gà.
Mẫu thân ánh mắt né tránh, lắp bắp nói:
“A Lê, mẫu thân đến thăm con đây.”
Ta cúi mắt, giọng nhàn nhạt:
“Có chuyện gì sao?”
Mẫu thân vội vàng đưa chiếc giỏ trong tay cho ta, cười cười nói:
“Gà nhà đẻ được mấy quả trứng, mẫu thân nhớ con thích ăn lắm. Ngày trước lúc nào cũng tranh giành với Phiến Nguyệt và Việt Phong, lần này mẫu thân cố ý mang đến cho con đây.”
“Ta không thích ăn trứng.”
Mẫu thân khựng lại, ánh mắt thoáng ngỡ ngàng:
“Con không thích ăn sao? Nhưng mẫu thân nhớ ngày trước…”
Ta đã nhiều năm không ăn trứng rồi.
Mẫu thân nhớ rõ Lâm Phiến Nguyệt thích ăn sủi cảo nhân hoa hẹ.
Nhớ rõ Lâm Việt Phong không ăn cần tây và hành lá.
Chỉ duy nhất không nhớ rằng, mỗi lần ta ăn trứng gà đều bị nổi mẩn khắp người, ngứa ngáy vô cùng.
Nhưng tại sao ta lại phải tranh với bọn họ?
Bởi vì từ nhỏ đến lớn, ta chưa từng được ăn trọn vẹn một quả trứng gà.
Quả trứng của ta, luôn phải bẻ ra chia cho phụ thân một miếng, chia cho mẫu thân một miếng.
Thuở bé, ta không hiểu.
Rõ ràng đều là cốt nhục do một cha mẹ sinh ra, tại sao chỉ có ta là không thể ăn trọn một quả trứng?
Đến khi lớn lên mới dần hiểu ra—
Ngay cả mười ngón tay cũng có ngón dài ngón ngắn.
Huống chi là lòng người?