Mời bạn CLICK vào liên kết bên dưới và MỞ ỨNG DỤNG SHOPEE để mở khóa toàn bộ chương truyện.
Lưu ý: Nội dung trên chỉ xuất hiện 1 lần trong ngày, mong Quý độc giả ủng hộ. Xin chân thành cảm ơn!
1.
Đây là lần thứ hai Trần Lâm mở miệng bảo tôi bán căn nhà tôi mua trước hôn nhân.
Có lẽ vì lần trước anh ta còn nhẹ nhàng thương lượng, mà tôi không đồng ý.
Lần này thì khác, thái độ anh ta cực kỳ cứng rắn:
“Trương Duệ, em phải bán căn nhà đó đi. Mình không còn khả năng gồng gánh nữa. Chính vì khoản vay mua nhà của em mà giờ tụi mình sống chật vật. Mẹ anh vừa sinh nhật xong, anh còn chẳng có tiền mừng tuổi bà một cái phong bì tử tế!”
Đúng, vài hôm trước là sinh nhật mẹ chồng, Trần Lâm gửi cho bà đúng… 88 nghìn.
Nhưng có liên quan gì tới tôi?
Tôi còn chẳng thèm nhắc tới chuyện, khoản vay căn nhà của tôi giờ mỗi tháng chỉ còn 2 triệu rưỡi. Mà lương tôi thì tận 7 triệu.
Tôi ngẩng đầu nhìn anh ta:
“Trần Lâm, anh từng trả giúp tôi đồng nào tiền vay nhà chưa? Cuộc sống anh chật vật là tại căn nhà của tôi sao?”
Trần Lâm bị tôi hỏi nghẹn họng.
Nhưng vẫn chưa chịu bỏ cuộc, tiếp tục nói:
“Đúng là anh chưa từng trả giúp em tiền vay nhà, nhưng tiền của anh cũng chi cho chi tiêu chung của cả nhà chứ đâu phải riêng anh. Mình còn phải nuôi con nữa, cái gì cũng cần tiền. Căn nhà của em đem cho thuê thì mỗi tháng cũng chỉ được hơn một triệu, còn phải bù thêm tiền vào hàng tháng nữa.”
Anh ta dừng lại, rồi tiếp:
“Mình đâu có thiếu chỗ ở. Giữ cái nhà đó chỉ tổ thêm gánh nặng. Bán sớm đi cho nhẹ nợ, em không thấy vậy sẽ thoải mái hơn à?”
Tôi không cần nghĩ cũng biết—những lời này chắc chắn là kết quả của một cuộc họp gia đình giữa Trần Lâm và bố mẹ anh ta.
Từ khi tôi và anh ta kết hôn, bố mẹ anh đã luôn nhòm ngó căn nhà riêng của tôi.
Dĩ nhiên, khi chưa cưới thì họ giấu nhẹm cái lòng tham đó đi.
Nếu không giấu, thì tôi đã chẳng cưới Trần Lâm.
Thậm chí hai năm đầu sau cưới, để tránh bị tôi phát hiện sớm mà chạy mất, cả ba người họ đã diễn vai tử tế đến tận lúc tôi sinh con.
Họ tưởng chỉ cần đợi tôi có con là tôi sẽ tự khắc “bị trói chặt” trong cuộc hôn nhân này, rồi mới bắt đầu lộ bộ mặt thật.
2.
Tôi và Trần Lâm quen nhau qua mai mối, năm đó chúng tôi cùng 26 tuổi.
Lúc mới gặp, tôi thấy anh ta có quan điểm sống khá đúng đắn, ngoại hình cũng hợp gu tôi.
Vì vậy, sau ba tháng anh theo đuổi, tôi đã đồng ý thử tìm hiểu.
Chúng tôi bên nhau hơn hai năm, cảm thấy mọi mặt đều hòa hợp. Hơn nữa, ở Vân Thành thì tiền sính lễ không đáng bao nhiêu, chỉ có mười một triệu.
Trước khi cưới, hai bên cha mẹ đều hỗ trợ con cái mua nhà và xe.
Bố mẹ Trần Lâm cũng khá dễ gần. Mấy lần gặp gỡ ngắn ngủi, hai bác đều cười nói vui vẻ, không có chút gì giống kiểu bố mẹ chồng tính toán hay hay gây khó dễ cho con dâu.
Thế nên, chúng tôi kết hôn.
Sau khi cưới, mẹ Trần bắt đầu giục chuyện sinh con, nói năng thì ngọt như rót mật.
Thậm chí, bà còn chu đáo đến mức giúp tôi lên kế hoạch trả khoản vay nhà trước hôn nhân, nói rằng nếu tôi nghỉ làm vì sinh con không có thu nhập thì cứ để Trần Lâm trả thay, nếu anh không đủ khả năng thì bà sẽ lo.
Để thể hiện thành ý, bà còn chuyển khoản cho tôi một triệu.
Vốn dĩ tôi và Trần Lâm cũng không có ý định không sinh con. Mẹ tôi cũng nói, sau tuổi ba mươi thì dễ thành sản phụ tuổi cao, sợ sinh khó.
Vậy là đến năm thứ hai sau khi cưới, chúng tôi bắt đầu kế hoạch mang thai.
Thế nhưng, sau khi con gái tôi – bé Duệ Duệ – chào đời, nhà họ Trần bắt đầu “lật mặt”.
Chỉ mới tháng thứ hai sau sinh, tôi vừa ra khỏi cữ, bố mẹ chồng đã bắt đầu xúi Trần Lâm ép tôi bán căn nhà riêng trước hôn nhân.
Tất nhiên, khi đó Trần Lâm vẫn chưa để lộ rõ ý đồ của nhà anh ta, mà chỉ âm thầm giở vài chiêu trò sau lưng.
Anh ta đẩy hết mọi vấn đề sang cho mẹ mình, phủi sạch mọi trách nhiệm.
Anh ta nói:
“Vợ ơi, chắc mẹ anh không qua trông con giúp tụi mình được rồi…”
Tôi hỏi lại:
“Sao lại không? Hồi trước khi bà ấy giục có con, chẳng phải còn cam đoan chắc nịch là sẽ ở lại phụ chăm cháu à?”
Tôi còn nhớ rõ lời mẹ chồng khi ấy:
“Nhà chỉ có một mình Trần Lâm là con trai, giờ con đã làm vợ nó, cũng như con gái chúng ta vậy. Việc gì cũng sẽ nghĩ cho hai đứa trước. Sau này có cháu, mẹ sẽ giúp chăm. Mọi chi phí nuôi con để bố nó lo. Hai đứa cứ an tâm đi làm. Dù sao tiền tụi mình sau này cũng là của hai đứa, cho sớm hay muộn cũng vậy thôi.”
Vậy mà giờ con sinh ra rồi, lại đột ngột không đến nữa?
Trần Lâm có chút lấp liếm:
“Dạo này mẹ anh sức khỏe không tốt, mới đi bệnh viện khám thì bác sĩ bảo huyết áp cao, cần tĩnh dưỡng, không được làm việc nặng hay thức khuya.”
Tôi nhớ rất rõ, trước khi tôi sinh, mẹ chồng vẫn còn vác bao gạo 50 ký leo sáu tầng cầu thang không chớp mắt.
Nên lời Trần Lâm vừa nói, tôi thật sự nghi ngờ.
Tôi thậm chí còn tự trách bản thân — liệu có phải do chuyện ở cữ mà tôi vô tình làm mẹ chồng phật lòng?
Dù sao thì, lúc tôi sinh con, mẹ chồng cũng từng lời qua tiếng lại với ba mẹ tôi vài lần.
Ba mẹ tôi vẫn còn đang đi làm, không thể xin nghỉ dài hạn để chăm tôi, lại sợ tôi vì không được chăm sóc kỹ mà mắc bệnh hậu sản.
Thế nên hai người đã đề nghị tôi vào trung tâm chăm sóc sau sinh và bảo sẽ lo toàn bộ chi phí.
Vì chuyện đó, mẹ chồng từng lèm bèm:
“Mẹ lo cho Duệ Duệ được mà, sao phải tốn tiền cho mấy dịch vụ vớ vẩn đó làm gì.”
Ba tôi lúc đó cũng nhẹ nhàng nói:
“Về sau chắc phải phiền bác chăm cháu nhiều, chứ chăm người trong tháng thật sự rất cực.”
Mẹ chồng tôi tuy ngoài mặt không nói thêm gì, nhưng khi tôi đang ở trung tâm dưỡng sinh sau sinh, bà vẫn gọi điện cho Trần Lâm để than phiền.
Bà nói:
“Vợ con đúng là yếu đuối quá mức rồi, cứ khăng khăng đòi vào trung tâm đó làm gì, phí mất hơn ba chục triệu. Nếu số tiền đó đưa cho mẹ, mẹ có thể mua bao nhiêu con gà tần bồi bổ cho nó chứ!”
Bà cũng biết lời này nghe chẳng hay ho gì nên chỉ dám nói sau lưng tôi, gọi điện riêng cho Trần Lâm lúc tưởng không ai nghe thấy.
Chỉ tiếc thay, lúc đó Trần Lâm nghe điện thoại… đang đứng ngay cạnh tôi.
Trần Lâm vội giải thích:
“Mẹ chỉ lo cho tụi mình tốn kém thôi, chứ không có ý gì khác đâu.”
Thời điểm ấy tôi cũng chẳng nghĩ nhiều.
Tôi sinh bé Duệ Duệ bằng phương pháp sinh thường chuyển sang mổ, lúc được đẩy ra khỏi phòng mổ, mẹ chồng còn chưa buồn liếc cháu lấy một cái đã sụt sùi nước mắt, diễn một màn “bà mẹ chồng tuyệt vời” cực kỳ cảm động.
Bà nắm tay tôi, nước mắt lưng tròng:
“Con gái mẹ thiệt là khổ quá đi mà…”
Suốt năm ngày tôi nằm viện, bà gần như không rời bệnh viện nửa bước, chỉ về nhà tắm rửa rồi quay lại ngay.
Thời điểm đó, tôi vẫn chưa bị “bà mẹ chồng chuyên diễn” làm cho tỉnh mộng, còn thấy lạ:
Chẳng phải tôi chỉ đi trung tâm ở cữ một lần thôi sao, sao bà lại như biến thành một người khác hoàn toàn?
3.
Nhưng vấn đề thì vẫn phải giải quyết.
Tôi hỏi Trần Lâm:
“Giờ mẹ anh không qua trông được, vậy Duệ Duệ phải làm sao? Em chỉ còn nửa tháng nghỉ thai sản, mà thời gian ngắn thế thì biết đi đâu tìm bảo mẫu?”
Tôi vẫn còn ngây thơ, cố gắng thương lượng với anh ta:
“Hay là trước mắt cứ để mẹ anh qua giúp mình ban ngày, tối vợ chồng mình tự chăm, rồi từ từ mình tìm bảo mẫu sau, được không?”
Trần Lâm nghe xong thì tỏ ra rất khó xử:
“Thuê bảo mẫu ít nhất mỗi tháng cũng phải thêm năm, sáu triệu. Với mức lương hiện tại, chắc mình không kham nổi đâu.”
Nói thì không sai. Tôi lương bảy triệu, Trần Lâm tám triệu, mà anh ta còn đang trả góp căn nhà ba triệu mỗi tháng.
Nếu thuê bảo mẫu, cộng với tiền nhà, gần như ngốn sạch thu nhập của cả hai đứa.
Còn chưa tính tiền ăn uống, chi phí sinh hoạt cho Duệ Duệ và cả hai vợ chồng—thực sự là không đủ.
Nhưng tôi nhìn Trần Lâm, trong lòng đột nhiên thót một cái—
Lẽ nào… anh ta đang tính bảo tôi nghỉ việc để ở nhà trông con?
Và đúng như tôi lo.
Trần Lâm thăm dò:
“Vợ à… hay là… em nghỉ làm một thời gian, chăm Duệ Duệ đến khi bé đi học rồi hẵng quay lại làm?”
Tôi lập tức nổi giận:
“Tại sao lại là em nghỉ? Sao không phải là anh nghỉ việc, chăm con đến lúc nó đi học? Trước khi sinh, cả nhà các người ai cũng hứa chắc như đinh đóng cột: chỉ cần em sinh là sẽ phụ chăm, em cứ yên tâm đi làm.
Giờ sinh xong rồi, các người lại lật mặt. Đã không làm được thì trước đó đừng có dụ người ta đẻ bằng lời ngon tiếng ngọt!”
Trần Lâm cãi lại:
“Vợ à, em đừng vô lý như vậy được không? Lúc đó ai mà biết mẹ anh lại đổ bệnh đột ngột, không trông cháu được chứ?”
Anh ta còn mạnh miệng nói tiếp:
“Hơn nữa, anh là đàn ông, mà nghỉ việc ở nhà trông con thì người ta nhìn vào nói thế nào?
Giờ Duệ Duệ còn nhỏ xíu, đang bú sữa mẹ, em đi làm rồi, ai cho con bú?”
Tôi cười nhạt:
“Nói như thể con gái chỉ là của mình tôi vậy. Không có sữa mẹ thì còn có sữa công thức, nếu phải nghỉ việc thì cũng là anh nghỉ.”
Vì chuyện này, tôi với Trần Lâm cãi nhau một trận lớn.
Sau đó, mẹ chồng nghe nói hai đứa vì chuyện Duệ Duệ mà mâu thuẫn, bỗng nhiên… lại nói có thể giúp trông cháu.
Bà còn gọi điện cho tôi, dịu giọng nói:
“Là thằng Trần Lâm nó nói sai thôi con ạ. Mấy hôm trước mẹ có đi bệnh viện khám sức khỏe, tiện miệng nhắc với nó một câu, chứ mẹ đâu có ý là không trông cháu.
Thằng nhỏ nó hiếu thảo quá, nghĩ linh tinh rồi nói bậy đó.”
Việc Trần Lâm có hiểu nhầm thật hay không thì còn chưa biết.
Nhưng tôi hiểu rất rõ: câu “nó hiếu thảo quá” kia của bà là đang bóng gió mỉa mai tôi.
Và nữa—sống chung với nhau bao nhiêu năm, là mẹ ruột mà Trần Lâm không hiểu nổi ẩn ý của mẹ mình ư?
Nói trắng ra là hai mẹ con đang diễn kịch với tôi. Mà nếu đã diễn, chắc chắn là còn chuyện gì đó phía sau cần nhờ vả tôi.
Và đúng như tôi dự đoán.
Hai ngày sau, Trần Lâm lại đến bàn bạc với tôi.
Anh ta nói: mẹ anh có thể đến trông con, nhưng—phải trả tiền công.
“Không thể để mẹ lớn tuổi như vậy mà không công không xá gì vẫn phải vất vả vì cháu được.”
Tôi hỏi:
“Vậy mẹ anh đến giúp thì tụi mình trả bao nhiêu?”
Trần Lâm đáp rất đàng hoàng:
“Giờ ở Vân Thành, thuê bảo mẫu cũng phải năm, sáu triệu một tháng. Mình trả mẹ năm triệu là hợp lý.”
Anh ta nói chắc như đinh đóng cột:
“Dù gì thì thuê người cũng phải tốn tiền, chi bằng đưa mẹ, mẹ vui lòng, mà mình cũng yên tâm hơn.”
Anh ta còn nghĩ ra một cách nghe qua thì rất “tử tế”:
“Tiền trả cho mẹ anh không cần em bỏ đâu, anh lo. Em chỉ cần lo chi tiêu sinh hoạt trong nhà là được.”
Tôi nhìn Trần Lâm – cái cách anh ta nói ra nghe như hợp lý lắm – trong đầu chỉ có một suy nghĩ:
Mẹ con họ đúng là đã chơi quá thuần thục cái chiêu “trước cho mồi, sau nhả thòng lọng”.
Tôi hỏi lại:
“Anh có phải còn nghĩ tôi nên biết ơn mẹ anh không?
Rồi khi bà ấy qua trông cháu, tôi còn phải cung kính rót trà đưa nước, cảm tạ bà vì đã cứu nguy cho vợ chồng mình?”
Trần Lâm nhíu mày:
“Vợ à, em có cần phải nói chuyện cay nghiệt vậy không? Giờ mình đúng là đang cần nhờ mẹ anh thật mà…”
Rồi anh ta lại bắt đầu màn đổ lỗi:
“Lúc em ở trung tâm dưỡng sinh, mất hơn ba chục triệu, mẹ anh có nói câu nào không?
Giờ bà ấy qua giúp chăm cháu, mỗi tháng chỉ nhận có năm triệu tiền công, mà em còn bóng gió khó chịu.
Chẳng lẽ trong lòng em, công sức của mẹ anh lại rẻ mạt như vậy sao?”
Tôi cười lạnh:
“Tôi đi trung tâm ở cữ, tiền đó là tôi bỏ ra, có liên quan gì đến mẹ anh?
Hay là bà không trả tiền mà vẫn muốn có quyền lên tiếng?”
Hơn nữa, đây đâu phải vấn đề “tiền công thấp hay cao”.
Nhưng với Trần Lâm thì đúng là như vậy.
Anh ta thản nhiên nói:
“Mẹ anh đồng ý trông cháu là đã giúp tụi mình rất nhiều rồi. Nhưng mình cũng không thể vì vậy mà không có chút hiếu tâm, không biết điều.
Dù gì cũng phải thể hiện một chút chứ, đúng không?”
Đúng – nhưng kiểu “thể hiện” ấy, tôi chắc chắn không đời nào đưa ra.