Mời bạn CLICK vào liên kết bên dưới và MỞ ỨNG DỤNG SHOPEE để mở khóa toàn bộ chương truyện.
https://s.shopee.vn/7V4rJFqCAr
Lưu ý: Nội dung trên chỉ xuất hiện 1 lần trong ngày, mong Quý độc giả ủng hộ. Xin chân thành cảm ơn!
1.
Người trong thôn đều nói ta là một đứa trẻ mồ côi.
Nếu không nhờ phu nhân nhà họ Thôi – người bán bánh bao tốt bụng nhặt ta về nuôi, từng muỗng cháo, từng cục bột đút vào miệng, thì chắc chắn ta đã không thể sống sót đến bây giờ.
Phu nhân Thôi là một quả phụ, cuộc sống của bà rất khó khăn.
Vì vậy, mỗi khi gặp ta, mọi người trong thôn đều hay xoa đầu, dặn dò:
“Sau này con phải hiếu thuận với mẫu thân nuôi mình đấy nhé.”
Ta liền gật đầu như giã tỏi.
Nhưng ta còn chưa kịp giúp bà vực dậy tiệm bánh bao thì bà đã bỏ ta mà đi.
Năm ấy, ta mười bốn tuổi.
Chưa được bao lâu, một đám người ùn ùn kéo đến trước cửa nhà, nói muốn đưa ta vào hoàng cung.
Người dẫn đầu, lại chính là cháu ruột của Thái hậu!
Lúc này ta mới hay, hóa ra mình không phải trẻ mồ côi, mà chính là cốt nhục thất lạc của Huệ Chiêu Thái hậu.
Năm đó, khi mang thai ta, người vẫn còn là quý phi của tiên đế. Khi thai được bốn tháng, bà theo tiên đế đến hành cung tránh nóng, dự định đến mùa thu mới quay về hoàng cung để chờ sinh.
Ai ngờ, ngay đêm trước ngày khởi hành hồi cung, bà bỗng đau bụng dữ dội, thái y buộc phải dùng thuốc giục sinh.
Vậy là, ta ra đời khi mới chỉ bảy tháng trong bụng mẹ.
Sau khi sinh, thân thể quý phi suy nhược, không thể lập tức lên đường trở về, đành phải ở lại hành cung tĩnh dưỡng.
Mãi đến khi ta gần tròn một tuổi, bà mới quyết định hồi cung.
Nhưng trên đường về, có kẻ ngấm ngầm bày mưu hãm hại, khiến mẹ con ta và nhũ mẫu bị chia cắt, mỗi người một nơi.
Từ đó đến nay, bao nhiêu năm trời trôi qua, mẫu thân ta – từ quý phi trở thành hoàng hậu, rồi lại từ hoàng hậu phong làm thái hậu – vẫn chưa một ngày ngừng tìm kiếm đứa con gái thất lạc năm xưa.
Cuối cùng, sau bao năm dài đằng đẵng, mẫu tử chúng ta cũng đoàn tụ.
Ta còn nhớ rất rõ, vào ngày nhận thân ấy, Huệ Chiêu Thái hậu ôm chặt lấy ta, khóc suốt cả nửa canh giờ.
Đến khi khóc cạn nước mắt, bà mới buông tay, nâng niu ngắm nhìn gương mặt ta, như thể muốn khắc ghi từng đường nét.
Lúc ấy, ta mới có cơ hội nhìn rõ dung nhan của vị thái hậu cao cao tại thượng này.
Bà đẹp quá đỗi.
Làn da trắng tựa tuyết mùa đông, đôi môi mỏng, hàng mày thanh tú, ánh mắt sáng ngời, long lanh như nước hồ thu.
Trông bà không giống một phụ nhân đã sinh ba đứa con.
Nhưng ai ai cũng nói, bà chính là mẹ ruột của ta, năm nay đã ba mươi sáu tuổi.
Bà không chỉ sinh ra ta, mà còn sinh ra hoàng đế đương triều—Triệu Dật Hằng.
Năm nay mười chín.
Nói cách khác, ta có một vị hoàng huynh.
Ngoài vị hoàng huynh này, ta còn có một muội muội ruột thịt, nhỏ hơn ta ba tuổi, gọi là Ngọc Thục công chúa.
Khi Huệ Chiêu Thái hậu ôm ta khóc lóc thảm thiết, hoàng huynh Triệu Dật Hằng và Ngọc Thục công chúa đều đứng cách xa một chút.
Không biết là vì quá kinh ngạc trước phản ứng của Huệ Chiêu Thái hậu, hay vẫn chưa quen với sự tồn tại của ta.
Thực ra, ta vừa đến nơi này, trong lòng không khỏi lúng túng, thấp thỏm.
Ta nghĩ, tốt nhất nên ít nói một chút, để tránh lỡ miệng nói sai điều gì.
Cũng không nên liếc ngang liếc dọc, tránh để người ta cảm thấy mình nhỏ mọn, quê mùa.
Nhưng chưa kịp thực hiện kế hoạch im lặng bao lâu, Huệ Chiêu Thái hậu đã ngắm ta vài lần, rồi nghẹn ngào thốt lên:
“Tử Đường, con đã chịu bao nhiêu khổ sở suốt mười mấy năm qua rồi…”
Ta lập tức buột miệng:
“Khổ cái chi đâu? Con khoẻ lắm, chẳng khổ chút nào cả!”
“Phụt!”
Ngay lập tức, một tràng cười khúc khích vang lên từ phía sau.
Ta quay đầu lại, liền thấy vai Ngọc Thục công chúa run rẩy dữ dội, hiển nhiên là đang nhịn cười đến cực hạn.
Nhưng sau đó, ta lại nghe thấy Huệ Chiêu Thái hậu khóc càng thê lương hơn.
2.
Mãi đến lúc đó ta mới hiểu ra—bất kể là khóc hay cười, đều do ta mở miệng mà ra.
Huệ Chiêu Thái hậu là vì nhớ đến những khổ sở ta từng chịu đựng mà rơi lệ.
Còn Ngọc Thục công chúa, tuổi vẫn còn nhỏ, hiển nhiên là thấy thú vị nên mới bật cười.
Nàng cứ chạy theo ta, năn nỉ:
“Tử Đường tỷ tỷ, tỷ nói chuyện với muội đi mà!”
Mới đầu ta còn mắc lừa vài lần, nhưng sau đó học được bài học, quyết không để ý đến nàng nữa.
Không ngờ, nàng lại giận dỗi thật.
Chẳng bao lâu sau khi ta về cung, đúng dịp đến sinh thần của Ngọc Thục công chúa.
Bữa tiệc diễn ra được một nửa, đám công tử tiểu thư con nhà thế gia bắt đầu bày trò ngâm thơ đối chữ.
Xem ra là phải đến lượt từng người.
Ta đang tò mò ngó nghiêng, bỗng nhiên có một thân ảnh bước đến gần.
Là một vị thái giám, hắn nhẹ nhàng đưa cho ta một tờ giấy, nhỏ giọng nhắc nhở:
“Công chúa, người cứ đọc theo những gì viết trên này là được.”
Trên giấy có hai câu thơ.
Ta lén liếc nhìn xung quanh, phát hiện ra là Huệ Chiêu Thái hậu sai người đưa tới.
Chắc bà lo ta không làm được thơ nên chuẩn bị sẵn.
Bà đúng là chu đáo.
Chỉ là… ta… không biết chữ.
Bảo ta đọc theo? Nhưng vấn đề là ta phải nhận ra chữ đã chứ!
Hết cách, ta đành quay sang Ngọc Thục công chúa—người gần ta nhất, ghé sát lại, khẽ hỏi:
“Muội dạy tỷ đi, trên này viết cái chi rứa?”
“Hứ!”
Ngọc Thục công chúa lập tức hất mặt sang một bên, hờn dỗi:
“Trước đó tỷ không chịu nói chuyện với muội, giờ muội cũng không thèm trả lời tỷ!”
“Dạy nhanh đi mà, sắp đến lượt ta rồi!”
“Không dạy!”
Ta cũng sốt ruột, buột miệng:
“Không dạy thì thôi, coi cái bộ dạng mít ướt đó của muội kìa!”
Khoan đã—
Có phải ta nói hơi to quá không?
Bốn phía im lặng trong chớp mắt.
Rồi ánh mắt của mọi người đồng loạt đổ dồn về phía ta, mà trên mặt ai nấy đều ra vẻ cố nhịn cười.
Ngay cả hoàng huynh Triệu Dật Hằng cũng nhìn sang, chậm rãi hỏi:
“Tử Đường có ý tưởng gì sao? Đọc lên nghe thử đi.”
Ôi trời…
Ta biết là huynh ấy đang cố giúp ta giải vây.
Nhưng mà… ta không biết chữ thật mà!
Ta vội lắc đầu quầy quậy.
Triệu Dật Hằng hơi sững người, trên mặt thoáng hiện nét thất vọng.
Bỗng có tiếng người vang lên:
“Không phải đến lượt ta rồi sao? Sao lại nhảy qua Công chúa Tử Đường vậy?”
Ta theo tiếng nhìn qua, phát hiện người vừa nói chính là người từng đích thân đến thôn đón ta—cháu trai của Huệ Chiêu Thái hậu, thế tử Tiêu gia.
Tiêu Thế Tử không biết vô tình hay cố ý, nhưng đã khéo léo giúp ta hoá giải tình thế khó xử.
Thế là mọi người cũng không còn để ý đến chuyện ta có đọc được thơ hay không nữa.
Dù sao nhân vật chính hôm nay vẫn là Ngọc Thục công chúa.
Vừa nghe Tiêu Thế Tử lên tiếng, nàng lập tức hứng thú bừng bừng, còn bắt hắn làm thêm ba bài thơ phạt tội.
Chỉ mới làm đến bài thơ thứ hai, Huệ Chiêu Thái hậu bỗng nói gió lớn khiến bà đau đầu, muốn trở về trước.
Lúc đứng dậy, vị thái giám khi nãy đưa giấy cho ta khẽ nháy mắt ra hiệu.
Vì vậy, ta đợi một lát, sau đó cũng đứng lên cáo lui với hoàng huynh Triệu Dật Hằng, rồi theo hướng cung điện của Huệ Chiêu Thái hậu mà đi.
Cung điện của bà rất lớn, từ cổng chính bước vào, còn phải băng qua mấy tầng viện nữa mới đến nơi.
Khi đi ngang hồ cá chép, ta chợt nghe thấy mấy tiểu cung nữ đang cho cá ăn bàn tán xôn xao.
“Nghe nói Thái hậu hồi cung sớm là vì tâm trạng không vui.”
“Chẳng lẽ lại do Công chúa Tử Đường làm trò cười nữa sao?”
“Ây, chỉ là một chút chuyện vặt thôi. Quan trọng là Công chúa Tử Đường cũng đã đến tuổi cập kê, Thái hậu nương nương chắc là nhân dịp tiệc sinh thần hôm nay để âm thầm chọn phò mã cho nàng, nhưng xem ra vẫn chưa vừa ý ai cả.”
“Còn Công chúa Ngọc Thục thì chắc chắn sẽ thành đôi với Tiêu Thế Tử rồi.”
Ta nghe một lúc, lòng vẫn còn ngổn ngang suy nghĩ.
Nhưng rồi sực nhớ Huệ Chiêu Thái hậu vẫn đang đợi mình.
Khi ta bước vào tẩm cung, cung nữ đang giúp bà gỡ bỏ lớp trang sức nặng nề.
Ta đứng qua một bên, chần chừ hỏi:
“Mẫu hậu, có phải con đã làm sai chuyện gì rồi không?”
3.
Huệ Chiêu Thái hậu khẽ lắc đầu, ánh mắt thoáng u sầu:
“Mẫu hậu biết, con vẫn giữ thói quen cũ là vì trách ta năm đó không bảo vệ được con, để con lưu lạc nơi sơn dã. Không sao cả… ta cũng luôn tự trách mình.”
Vừa nói, bà vừa nắm chặt một cây trâm cài trong tay.
Đó là một cây trâm được chạm khắc bằng kim tuyến, tạo thành hình hoa, đầu nhọn sắc bén.
Chỉ trong chốc lát, lòng bàn tay trắng như ngọc đã chi chít vết thương.
Ta vô thức siết chặt ống tay áo dài của mình, muốn mở miệng nói điều gì đó, nhưng đến cuối cùng lại nuốt xuống.
Ta còn nhớ, khi ta vừa hồi cung, Triệu Dật Hằng đã từng nói—
Từ sau khi lạc mất ta, chỉ cần liên quan đến ta, mẫu hậu đều trở nên vô cùng nhạy cảm.
Đúng vậy, Huệ Chiêu Thái hậu thực sự rất căng thẳng vì ta.
Ta đã hơn mười mấy tuổi, vậy mà ban đêm bà vẫn thường gọi ta đến ngủ cùng, thậm chí có khi đang say giấc lại đột ngột tỉnh dậy, hoảng hốt tìm ta.
Những lúc như vậy, ta lại nhớ đến mẫu thân nuôi ở thôn trang—Thôi phu nhân.
Bà cũng từng ôm ta ngủ, nhưng người bị giật mình tỉnh dậy lúc nửa đêm lại là ta.
Khi thì do tiếng sấm, khi thì bởi tiếng sói tru ngoài núi.
Sáng hôm sau, bà sẽ dắt ta lên chợ mua rau, tuyệt nhiên không dám để ta một mình trong nhà.
Ta khi ấy đã sáu, bảy tuổi, vẫn chưa nói sõi.
Vậy nên mỗi lần đến chợ, các bà bán rau hay tiện tay cầm lên một quả bí, kiên nhẫn dạy ta đọc:
“Đây gọi là bí đỏ.”
Ta ngoan ngoãn lặp lại:
“Bí đỏ.”
Mẹ nuôi nghe xong, xoa đầu ta, mỉm cười khen ngợi:
“Bảo bối của ta ngoan lắm.”
Đang đắm chìm trong hồi ức, ta chợt bị một tràng tiếng bước chân dồn dập cắt ngang suy nghĩ.
Triệu Dật Hằng sải bước tiến vào, không thèm nhìn ta lấy một cái, trực tiếp giật phắt cây trâm trên tay Huệ Chiêu Thái hậu, nghiêm giọng:
“Người có biết mình vừa làm Tử Đường sợ hay không?”
Huệ Chiêu Thái hậu thoáng trách móc:
“Ta chỉ giận bản thân, sao lại dọa con bé?”
Triệu Dật Hằng liếc nhìn bàn tay đầy vết thương của bà, dường như càng thêm tức giận, dứt khoát nắm lấy cổ tay ta, kéo đi:
“Từ nay, Tử Đường giao cho ta dạy dỗ.”
Huệ Chiêu Thái hậu muốn giữ ta lại, nhưng bị đám thái giám, cung nữ nhẹ nhàng cản lại:
“Thái hậu nương nương mệt rồi, người nên nghỉ ngơi trước đã.”
Thế là, khi bị lôi đi, ta chỉ còn nghe được tiếng Huệ Chiêu Thái hậu nghẹn ngào phía sau:
“Các ngươi đều bắt nạt ta…”
Bước ra khỏi tẩm cung, Triệu Dật Hằng thở dài, nói với ta:
“Mẫu hậu vốn như vậy, muội làm quen dần là được.”
Ta không đáp, chỉ âm thầm nghĩ—
Bị giao cho Triệu Dật Hằng dạy dỗ, nghĩa là dạy thế nào?
Mãi sau này ta mới biết—hoàng huynh bận lắm.
Lần đó chẳng qua chỉ là lời nói thuận miệng, chứ hắn hoàn toàn không rảnh để quản ta thật.
Thế nên, phần lớn thời gian ta chỉ biết ngồi nghịch một mình trong khi hắn chăm chú phê duyệt tấu chương.
Nhưng hôm nay lại hơi khác.
Lúc viết xong mấy câu chu phê, hắn tiện tay đặt tấu chương sang một bên.
Ai ngờ không để chắc, xấp giấy trượt xuống đất.
Ta vội cúi xuống nhặt, nhân tiện liếc thử nội dung bên trong.
Vị thái giám giật nảy mình, hốt hoảng lao tới, vội vàng muốn giật lại tấu chương:
“Công chúa! Không được, tuyệt đối không được!”
Nhưng Triệu Dật Hằng chỉ khẽ nâng tay, ra hiệu cho hắn không cần quá kích động.
Sau đó, hoàng huynh nhìn ta, nhàn nhạt hỏi:
“Muội đang làm gì vậy?”
“Nhận mặt chữ.”
Hắn quan sát một lúc, chậm rãi nói:
“Muội cầm ngược rồi.”
Vị hoàng đế trẻ tuổi, dung mạo tuấn mỹ, dù giọng điệu bình thản nhưng lại ẩn chứa vài phần ý cười.
“Vậy sao?”
Ta lập tức trở tay lật ngược lại.
Triệu Dật Hằng thoáng cau mày, ánh mắt dần hiện lên vẻ nghi hoặc:
“Muội thực sự không biết chữ?”
“Chứ còn gì nữa?”
Hắn khựng lại, như thể chợt nhận ra điều gì:
“Trẫm chưa từng hỏi chuyện này.”
Một lúc sau, hắn lại nói tiếp:
“Không cần phải thông thạo thi thư, nhưng ít nhất cũng phải nhận biết vài chữ. Để xem…”
“Gọi Ngọc Thục qua dạy cho muội vậy, dạo gần đây hai đứa có vẻ xa cách.”
Ta lập tức nhíu mày:
“Muội không chịu đâu.”
Triệu Dật Hằng hơi nheo mắt, lạnh giọng:
“Triệu Tử Đường.”
Ta thở dài, ngoan ngoãn đổi giọng:
“Muội chịu.”